Quá trình Cá Thể Hoá (Carl Jung Individuation Process)
Một tư tưởng có vẻ chỉ thuộc về tâm lý học nhưng lại rất liên quan đến tư tưởng về tu tập hay tu hành nếu chúng ta để ý.
Quan điểm của Jung về con đường trưởng thành và toàn vẹn về tâm thức được thể hiện thông qua ý tưởng về Cá thể hoá (Individuaation). Một tư tưởng có vẻ chỉ thuộc về tâm lý học nhưng lại rất liên quan đến tư tưởng về tu tập hay tu hành nếu chúng ta để ý.
Khởi đầu, ý thức bản ngã của đứa bé bắt đầu xuất hiện từ vô thức, và sự mở rộng và phát triển của nó cũng như sự phức tạp tăng lên cùng với sự phát triển và trưởng thành của cơ thể sinh học. Bước đầu tiên là phân biệt được cơ thể mình với những vật khác trong thế giới xung quanh. Điều này diễn ra song song với việc tách khỏi cái khuôn đúc vô thức nội tâm. Thế giới trở nên ngày càng thực và cụ thể hơn
Bản ngã học hỏi một cách hoàn toàn tự nhiên và tự phát, xoay sở trong môi trường cho phù hợp với sự tồn tại của cá nhân trong nền văn hóa xung quanh và cố gắng đạt được những nhu cầu và lợi ích cá nhân. Nó đồng thời phát triển một cái mặt nạ. Nếu phát triển suôn xẻ, nó sẽ tự tin, mạnh mẽ, sáng tạo và đạt được các nhu cầu lành mạnh của bản thân, thậm chí là cống hiến cho cộng đồng… .
Sự phát triển của bản ngã từ vô thức - được thúc đầy bởi một bản năng mạnh mẽ để tách dần khỏi thế giới xung quanh nhằm thích ứng hiệu quả hơn - điều đó dẫn tới một sự tách biệt giữa bản ngã ý thức và cái khuôn vô thức là cội nguồn của nó. Bởi vậy, hầu như trong độ tuổi trưởng thành chúng ta thường không đủ hiểu và làm chủ được bản thân so với những kì vọng của chính mình, hoặc mắc các chứng rối loạn và trầm cảm…
Mối tương quan căn bản giữa ý thức và vô thức là sự bù trừ và xu hướng của bản ngã là trở nên phiến diện và độc lập quá mức.
Các tác động bù trừ từ vô thức luôn tác động lên cảm xúc và hành vi trong cuộc sống mà hầu hết là ta không nhận thức gì về nó cả. Vô thức bù trừ cho bản ngã ý thức trong toàn bộ cuộc đời và theo nhiều cách - bằng sự nói lỡ lời, sự quên, hay những tiết lộ bất ngờ; bằng cách sắp xếp những tai nạn, những thảm họa, tình yêu và vận may; sinh ra những ý tưởng đầy cảm hứng hay những niềm tin ngớ ngẩn dẫn tới thảm họa. Chức năng của sự bù trừ là tạo nên cân bằng trong hệ tâm thần, rộng ra là sự trưởng thành của linh hồn họ.
Qua thời gian, những sự bù trừ liên tục mọi lúc mọi nơi tạo thành các cấu trúc và các cấu trúc này đặt cơ sở cho sự phát triển theo dạng xoắn ốc hướng tới tổng thể mà Jung đặt tên là cá thể hóa.
“Những hoạt động bù trừ tách biệt rõ ràng này tự sắp xếp thành một loại đồ án. Dường như chúng gắn bó với nhau và theo nghĩa sâu sắc nhất phụ thuộc vào một mục tiêu chung... Tôi gọi quá trình vô thức biểu hiện tự phát này dưới dạng tượng trưng trong chuỗi dài những giấc mơ là quá trình cá nhân hóa”. - Jung, Tổng Tập, tập 8, đoạn 550
Tự ngã là cái thúc đẩy những bộc lộ này suốt cuộc đời và cá thể hoá là quá trình cơ chế bù trừ điều hoà giữa vô thức và ý thức.
Trên thực tế, Jung thích làm việc với những người trưởng thành, khi đã có con cái và trải nghiệm cuộc sống ở mức độ nào đó, nghĩa là bản ngã của họ đã đủ phát triển để có thể bước vào giai đoạn quan trọng tiếp theo: làm việc với vô thức và bước đi trên hành trình cá thể hoá một cách có ý thức.
Infograph design explaining the Individuation Process.
Định nghĩa cá thể hoá
Trong bài viết “Ý thức, vô thức và cá nhân hóa”, Jung trình bày một tóm lược súc tích về quá trình ông gọi là cá thể hóa. Ông bắt đầu bằng việc nói là: đó là quá trình mà một người trở thành một cá nhân về tâm lí, tức là một sự thống nhất ý thức không phân chia được tách riêng, một tổng thể riêng biệt. Và nó là một quá trình trước tiên thống nhất bản ngã ý thức và sau đó là thống nhất toàn bộ hệ tâm thần bao gồm cả ý thức và vô thức nhằm đạt tới những gì mà cuối cùng Jung gọi là Cái tổng thể. Cái tổng thể (wholeness) là một thuật ngữ khá chính xác để mô tả mục tiêu của quá trình cá thể hóa, và nó là biểu hiện của cổ mẫu tự ngã. (Bạn hãy đọc bài về cổ mẫu tự ngã)
Để đạt được sự tổng thể, các hệ vô thức/ý thức cần phải được đặt trong mối liên hệ lẫn nhau: “Tâm thần bao gồm hai nửa trái ngược nhau cùng nhau kết hợp thành một tổng thể” . Jung, Toàn Tập, tập 9i, đoạn 520
Nhiễu tâm là do một xung đột nội tâm khi vô thức bị dồn nén và cá nhân đó đi đến sự bế tắc về năng lượng.
“Rõ ràng đây là con đường mà cuộc sống con người phải đi theo. Nó như một trò chơi cổ điển giữa búa và đe: và thỏi sắt được rèn thành một tổng thể không thể bị phá hủy, một ‘cá nhân’” . - Jung, Toàn Tập, tập 9i, đoạn 522.
Một "cá nhân" theo nghĩa độc lập tự do và quyền năng của riêng nó.
Năm giai đoạn của ý thức
Để có một cách giải quyết vấn đề về phát triển ý thức này trong giai đoạn hai của cuộc đời, chúng ta có thể áp dụng một số kĩ thuật đo lường chung. Jung mô tả năm giai đoạn phát triển của ý thức. Jung, Toàn Tập, tập 13, các trang 199-201.
Giai đoạn đầu tiên:
đặc trưng bởi sự tham dự thần bí (participation mystique), một thuật ngữ được vay mượn từ nhà nhân học Pháp, LévyBruhl. Tham dự thần bí nói đến sự đồng nhất giữa ý thức của một cá nhân với thế giới xung quanh mà không có sự nhận thức là mình ở trong giai đoạn đó; ý thức và đối tượng mà nó đồng nhất đều cùng là một thứ mang Ở tính thần bí. Ở đây chữa có sự nhận thức về khác biệt giữa một người với, một mặt là nhận thức của họ, và mặt khác là đối tượng có vấn đề. Trong một chừng mực nào đó, con người luôn ở trong trạng thái tham dự thần bí trong toàn bộ cuộc đời mình. Ví dụ, nhiều người đồng nhất mình hoàn toàn với chiếc xe hơi của họ. Họ trải nghiệm tất cả những cảm giác riêng mình về những chiếc xe đó. Khi chiếc xe có vấn đề, người chủ cảm thấy ốm, bị suy sụp vì cảm lạnh, đau dạ dày. Chúng ta hợp nhất một cách vô thức với thế giới xung quanh. Đây là những gì mà Jung gọi là sự tham dự thần bí
Đa phần mọi người gắn bó với gia đình của mình, ít ra cũng là từ lúc bắt đầu cuộc đời, bởi sự tham dự thần bí, dựa trên cơ sở sự đồng nhất, nội phóng và phóng chiếu. Những thuật ngữ này mô tả cùng một điều: sự hòa lẫn những nội dung nội tấm và bên ngoài. Lúc đầu, một đứa bé hoàn toàn không thể phân biệt được theo nghĩa đen đâu là ranh giới giữa nó và người mẹ. Thế giới của trẻ thơ được hợp nhất cao độ. Theo nghĩa này, giai đoạn đầu tiên của ý thức báo trước giai đoạn cuối cùng: sự hợp nhất tối hậu của các phần thành một tổng thể. Tuy nhiên vào lúc đầu nó là một tổng thể vô thức, trong khi đó vào lúc cuối, cảm nhận về tổng thể này là có ý thức.
Giai đoạn thứ 2:
Trong giai đoạn hai của ý thức các phóng chiếu bắt đầu được định vị khu trú hơn. Sau những phóng chiếu mơ hồ ở giai đoạn đầu, một số sự khác biệt giữa bản thân/người khác bắt đầu trở nên rõ ràng trong ý thức. Đứa bé bắt đầu nhận biết được các nơi mà cơ thể sinh học của nó động chạm với đối tượng bên ngoài, và nó bắt đầu chú ý đến các đồ vật và nhận biết được những khác biệt giữa mình và người khác và những đối tượng ở thế giới xung quanh nó.
Khi sự biệt hóa chủ thể/đối tượng rõ ràng tồn tại và khi bản thân và người khác trở nên khác biệt và được phân biệt rõ ràng, sự phóng chiếu và tham dự thần bí biến đổi. Điều này không có nghĩa là phóng chiếu đã được vượt qua mà nó chỉ trở nên được định vị khu trú hơn, tập trung vào một số ít các đối tượng hơn là toàn thể thế giới.
Một số đối tượng trong thế giới giờ đây rõ ràng trở nên quan trọng hơn và hấp dẫn hơn các đối tượng khác bởi vì chúng nhận các phóng chiếu và là đối tượng tiếp nhận sự đầu tư tâm năng libido.
Người mẹ, những trò chơi ưa thích, những đồ vật chuyển động màu sáng, các con vật đồ chơi, người cha, người khác trở nên đặc biệt, phân biệt và khác biệt. Để cho sự phát triển của ý thức được tiếp tục, sự biệt hóa được diễn ra và sự phóng chiếu trở nên cố định vào những hình ảnh đặc thù. Và bởi vì các phóng chiếu hướng vào những gì không biết, thế giới tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục quá trình phóng chiếu trong toàn bộ đời người.
Cha mẹ là những đối tượng nhận phóng chiếu chủ yếu lúc ban đầu, và những đứa con phóng chiếu một cách vô thức quyền uy tuyệt đối và tri thức tuyệt đối lên họ. Đây là những gì mà Jung gọi là những phóng chiếu cổ mẫu. Cha mẹ trở thành các vị chúa, được đầu tư sức mạnh mà con người thường gán cho thánh thần. “Bố có thể làm mọi thứ! Bố là người giỏi nhất trên thế giới!”, “Mẹ biết mọi thứ và có thể làm mọi điều kì diệu. Mẹ yêu con vô điều kiện”. Sự nhận biết hơi shock rằng cha mẹ mình không biết tất cả mọi thứ và không như các vị thần được tôn sùng thường xảy ra trong tuổi thanh thiếu niên và trong một giai đoạn mà ở đó cha mẹ lại bị coi là không biết gì (một kiểu phóng chiếu khác).
Chúng ta cũng phóng chiếu những điều này lên những anh chị em ruột, đây là gốc rễ của những thù địch giữa các anh chị em và những hành động đua tranh và đôi lúc có động lực xấu diễn ra trong gia đình. Thầy cô giáo và trường học cũng là đối tượng tiếp nhận nhiều phóng chiếu. Trên thực tế, nhiều người trong môi trường chúng ta sống cũng trở thành người tiếp nhận những phóng chiếu trong giai đoạn hai của ý thức này. Điều này khiến cho người khác và các tổ chức có được những sức mạnh để tạo ra và định hình ý thức của chúng ta một cách mạnh mẽ, cung cấp cho nó kiến thức, quan điểm và dần dần thay các kinh nghiệm cá nhân của chúng ta bằng những quan điểm, cách nhìn nhận cũng như các giá trị tập thể. Đây là quá trình tiếp nhận văn hóa và thích nghi diễn ra ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
Yêu và kết hôn về cơ bản được dựa trên những phóng chiếu anima, và animus lớn, và điều này trực tiếp dẫn tới việc sinh con và nuôi dạy trẻ và sau đó những đứa trẻ lại trở thành những người tiếp nhận những phóng chiếu trẻ con thần thánh
Giống giai đoạn đầu, giai đoạn hai này là giai đoạn mà không ai thực sự hoàn tất. Chừng nào một người vẫn có thể đam mê, cảm thấy sự khuấy động của những cuộc phiêu lưu và mơ mộng hão huyền, mạo hiểm tất cả vì một niềm tin mạnh mẽ thì họ vẫn tiếp tục hoạt động phóng chiếu lên những đối tượng cụ thể trong thế giới. Và đối với nhiều người, sự phát triển dừng lại ở đây. Những người như vậy tiếp tục phóng chiếu mạnh mẽ những đặc điểm tích cực và tiêu cực của tâm thần lên thế giới xung quanh và đáp ứng trước những hình ảnh và sức mạnh dường như chúng hiện diện ở những đối tượng và con người bên ngoài.
Giai đoạn thứ 3:
Chỉ đơn giản là sự phóng chiếu được chuyển đổi từ cha mẹ sang một con người huyền thoại và trừu tượng hơn.
Nếu sự phát triển ý thức được tiếp tục diễn ra - điều này có thể bắt đầu khi một giai đoạn mới của sự phát triển nhận thức đưa tới khả năng đạt được một mức độ trừu tượng hóa có tính tương đối độc lập với sự cụ thể hóa - một người sẽ nhận thức được rằng những đối tượng nhận những phóng chiếu đặc thù không giống các phóng chiếu mà các đối tượng đó tiếp nhận.
Trong giai đoạn thứ 3 này, thế giới mất đi nhiều sự cuốn hút chất phác lúc đầu của nó. Những nội dung tâm thần được phóng chiếu trở nên trừu tượng, và chúng biểu hiện ra như là những tượng trưng và ý thức hệ. Tri thức tuyệt đổi và quyền uy tuyệt đối không phải thuộc về con người nữa mà những phẩm chất này được phóng chiếu lên những thực thể trừu tượng như Chúa, Thần hộ mệnh, Chân lí. Triết học và thần học xuất hiện. Những giá trị tối cao nhận lấy những sức mạnh thần thánh đã từng được gán cho cha mẹ và thầy cô giáo. Giáo lí, sách Khải huyền, và các học thuyết tràn đầy những phóng chiếu cổ mẫu, và thế giới cụ thể hằng ngày tương đối được giải phóng khỏi những phóng chiếu và có thể được tương tác một cách trung tính.
Khi những phóng chiếu được loại bỏ khỏi những đối tượng cụ thể trong thế giới, những nhà lãnh đạo chính trị nhìn xa trông rộng và những nhà tư tưởng có tài năng thiên phú tạo ra những sự trừu tượng trong thế giới dưới dạng những ý tưởng, giá trị, hay những ý thức hệ bằng những phóng chiếu tạo nên những khái niệm khẳng định giá trị cao nhất và những điều tốt đẹp nhất trong nhận thức của họ. Trên cơ sở những giá trị này, con người có thể tạo dựng những quy tắc, mệnh lệnh thay cho những mới quan hệ cảm xúc, tự nhiên tự phát mà người ít ý thức có được từ thế giới. Thay cho sự đồng cảm vô thức dựa trên sự tham dự thần bí hay những phóng chiếu, con người lập nên nguyên tắc về nghĩa vụ. Chẳng hạn, con người thực hiện những gì đúng đắn về mặt sinh thái, không phải từ cảm nhận mà là từ nghĩa vụ, không phải con người bị ốm bởi vì nỗi đau vì sự phá hủy môi trường tự nhiên mà vì quy tắc đạo đức để phân loại rác thải và ít sử dụng năng lượng hơn.
Trong giai đoạn ý thức thứ ba này - mà tôi tin là người cha của bạn tôi đã đạt được, vì ông là một người theo đạo theo nghĩa truyền thống - vẫn có những phóng chiếu những nội dung vô thức. Nhưng những phóng chiếu này không được đầu tư nhiều lên con người và đồ vật mà là lên những nguyên tắc, những biểu tượng, và các học thuyết. Dĩ nhiên, những phóng chiếu này vẫn được coi là “thực” theo nghĩa gần như cụ thể. Chúa thực sự tồn tại xung quanh, và ông ta là một con người khác biệt và v.v. Chừng nào con người vẫn tin là một vị Chúa thực sự sẽ trừng phạt và ban thưởng cho con người sau khi chết, ,nó chỉ ra sự hiện diện giai đoạn ý thức thứ ba này.
Giai đoạn thứ 4:
Giai đoạn thứ tư của ý thức phản ánh sự tiêu diệt tận gốc các phóng chiếu, ngay cả dưới hình thức những sự trừu tượng thần học hay ý thức hệ. Sự tiêu diệt này đưa tới sự tạo ra một một “trung tâm trống rỗng” mà Jung đồng nhất với sự hiện đại. Đây là giai đoạn “con người hiện đại đi tìm tâm hồn” . (Con người hiện đại đi tìm tâm hồn là tên của một cuốn sách nổi tiếng của Jung xuất bản năm 1933.)
Cảm nhận về tâm hồn - về ý nghĩa to lớn và mục đích trong cuộc sống, sự bất tử, nguồn gốc thần thánh, một vị “Chúa bên trong” được thay thế bởi những giá trị giáo điều vị lợi và thực dụng. “Nó hoạt động thế nào” là câu hỏi chủ yếu. Con người thấy mình là một bánh răng trong cỗ máy kinh tế xã hội khổng lổ và những mong chờ về ý nghĩa của họ bị giảm xuống thành sống một cuộc sống hằng ngày. Con người sống vì những lúc hài lòng và thỏa mãn những ham muốn có thể kiểm soát được. Hoặc là họ sẽ bị trầm cảm! Chúa không còn tồn tại trên thiên đường nữa và ma quỷ đã được biến thành những triệu chứng tâm lí và mất cân bằng hóa học trong não. Thế giới bị loại bỏ những nội dung tâm thần được phóng chiếu.
Trong giai đoạn thứ tư của ý thức này, dường như là những phóng chiếu tâm thần đã hoàn toàn biến mất. Nhưng Jung chỉ ra rằng đây chỉ là một giả định sai lầm. Trong thực tế, chính bản ngã trở nên được đầu tư bởi những nội dung mà trước đó đã phóng chiếu lên những người khác, đối tượng khác và những gì trừu tượng. Do đó, bản ngã bị lạm phát mạnh ở con người hiện đại và chiếm giữ một vị trí bí mật đầy sức mạnh của Chúa. Bản ngã chứ không phải các giáo lí và học thuyết là đối tượng tiếp nhận những phóng chiếu cả tốt lẫn xấu. Bản ngã trở thành kẻ phán xử duy nhất về đúng và sai, sự thật và nhầm lẫn, vẻ đẹp và sự xấu xa. Không có sức mạnh nào ngoài bản ngã lại vượt qua được nó. Ý nghĩa được tạo ra bởi bản ngã; nó không thể được phát hiện ở chỗ khác. Chúa không còn là “ở đâu xa” nữa, mà chính là tôi! Trong khi con người hiện đại có vẻ như lí trí và vững chắc hơn, thực tế anh ta bị điên. Nhưng điều này được che giấu, nó là một bí mật thậm chí được che giấu với cả bản thân mình.
Jung tin rằng giai đoạn thứ tư này là một trạng thái cực kì nguy hiểm vì lí do rõ ràng là một bản ngã bị thổi phồng không thể thích nghi tốt với môi trường và vì vậy có khuynh hướng gây ra những sai lầm có tính thảm họa khi phán xét. Mặc dù đây là một bước tiến của ý thức xét ở góc độ cá nhân và văn hóa, nhưng nó lại mang tính nguy hiểm bởi khả năng dẫn tới sự hoang tưởng tự đại.
Người của giai đoạn thứ tư không còn bị kiểm soát bởi những quy ước xã hội hoặc gắn với con người hoặc với các giá trị. Kết quả là bản ngã có thể nhìn thấy vô số những khả năng hành động. Điều này không có nghĩa là tất cả con người hiện đại là những kẻ có nhân cách chống đối xã hội nhưng những ô cửa dẫn tới sự phát triển như vậy lại rộng mở. Và những trường hợp tệ nhất lại là những người trông rất lí trí - những người “tốt nhất và thông minh nhất” và luôn tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề chính sách và đạo đức. Cạm bẫy ở đây nằm ở chỗ tâm thần trở nên bị che khuất trong bóng âm của bản ngã.
Bốn giai đoạn đầu tiên này trong sự phát triển của ý thức liên quan đến sự phát triển của bản ngã và nửa đầu cuộc đời.
Giai đoạn thứ 5:
Nhưng sự phát triển xa hơn trong nửa sau của cuộc đời được Jung nói tới là Giai đoạn thứ năm, giai đoạn hậu hiện đại, có liên với việc cố cố gắng tái thống nhất vô thức và ý thức. Trong giai đoạn này, có sự nhận biết ý thức về giới hạn của bản ngã và sự nhận biết những sức mạnh của vô thức và hình thức thống nhất chỉ có thể diễn ra giữa ý thức và vô thức thông qua cái mà Jung gọi là chức năng siêu việt và tượng trưng thống nhất.
Tâm thần trở nên thống nhất nhưng không giống Giai đoạn thứ nhất, các phần văn tự được biệt hóa và vẫn được chứa trong ý thức. Và không giống giai đoạn thứ tư, bản ngã không còn đồng nhất với cổ mẫu nữa: những hình ảnh cổ mẫu sẽ vấn còn là một “cái gì khác” và không còn ẩn dấu trong bóng âm của bản ngã nữa. Bây giờ chúng được nhận thấy là ở “trong đó”, không giống Giai đoạn thứ ba khi mà chúng ở “ngoài đó” trong một không gian siêu hình nào, và nói cụ thể hơn, chúng không còn được phóng chiếu ra các đối tượng bên ngoài nữa.
Nó vượt qua bản ngã hiện đại vốn có thể nhìn xuyên qua mọi thứ và không tin vào tính hiện thực của tâm thần. Chỗ đứng hiện đại là một thái độ “thế này hoặc thế khác”. Đó chính là sự tin tưởng rằng các phóng chiếu đã bị loại bỏ đi, chúng chỉ là tấm màn che giấu mà không biểu hiện cho cái gì. Nếu chúng ta nghe thấy quá nhiều tiếng động trong những khúc gỗ thì lẽ có một cái gì đang hiện diện ở đó. Tuy nhiên đó không phải là những gì chúng ta nghĩ mà là những gì thực sự tồn tại.
Bản thân tâm thần trở thành đối tượng của khảo sát và suy ngẫm. Làm thế nào để nắm bắt nó trong những quan sát của chúng ta. Làm thế nào để liên hệ với nó. Đó là những vấn đề và câu hỏi hậu hiện đại. Và những nỗ lực như vậy của Jung trong việc hình thành một nhân thức luận phù hợp trong tác phẩm Các loại hình tâm lí (một “tâm lí học phê phán” như ông từng gọi nó) là một nỗ lực đặt cơ sở cho việc tiếp cận tâm thần như một thực thể với quyền năng riêng của nó. Kĩ thuật tưởng tượng tích cực và diễn giải giấc mơ của ông có mục tiêu là nhằm cố gắng tương tác trực tiếp được với tâm thần và hình thành một mối liên hệ ý thức với nó.
Bằng cách này ông đang hình thành những phương tiện để liên hệ với cuộc sống theo một cách ý thức và hậu hiện đại, và giữ một thái độ tôn trọng trước những nội dung tương tự nhau mà những người nguyên thủy hay truyền thống phát hiện thấy trong những huyền thoại và những hệ thống thần học của họ, những gì mà các đứa bé và trẻ em phóng chiếu lên cha mẹ, đồ chơi và các trò chơi của chúng, và cũng là những gì mà các bệnh nhân mất trí nặng và loạn tâm nhìn thấy trong những ảo giác và ảo ảnh của họ. Những nội dung này là chung cho tất cả chúng ta, và chúng tạo nên những lớp nguyên thủy nhất và sâu nhất của tâm thần, đó là vô thức tập thể. Tiếp cận được những hình ảnh cổ mẫu và liên hệ với chúng một cách ý thức và sáng tạo trở thành trọng tâm của cá nhân hóa và là nhiệm vụ của Giai đoạn thứ năm này của ý thức. Giai đoạn ý thức này tạo ra một vận động khác trong quá trình cá nhân hóa. Bản ngã và vô thức gắn bó với nhau thông qua một kí hiệu tượng trưng.
Giai đoạn 6,7:
Trong các tác phẩm của ông có những gợi ý về những gì có thể coi là Giai đoạn thứ sáu và thậm chí là thứ bảy. Ví dụ, trong semina về Kundalini Yoga 173 năm 1932, Jung thừa nhận rõ ràng việc đạt được những trạng thái ý thức ở phương Đông vượt quá xa những gì được biết đến ở phương Tây. Trong khi tỏ ý nghi ngờ về những triển vọng của những người phương Tây đạt được những giai đoạn ý thức tương tự trong tương lai gần thì ông vẫn đưa ra một khả năng về lí thuyết để thực hiện điều này, và thậm chí mô tả một số đặc điểm của những giai đoạn này. Kiểu ý thức thể hiện ở Kundalini có thể coi là Giai đoạn tiềm ẩn thứ bảy.
Sau này trong cuộc đời mình, khi khảo sát cấu trúc và chức năng của các cổ mẫu trong bối cảnh đồng đại, Jung giả định rằng có thể những cấu trúc có vẻ nội tâm này tương ứng với những cấu trúc của tồn tại trong thế giới phi tâm thần. Giai đoạn ý thức thứ sáu có thể xảy ra này sẽ giải thích được mối liên hệ sinh thái rộng hơn giữa tâm thần và thế giới.
Do đó, Giai đoạn thứ sáu có thể coi là một trạng thái ý thức nhận biết được sự thống nhất giữa tâm thần và thế giới vật chất.
Tuy nhiên, Jung thận trọng trong việc khảo sát những lĩnh vực như vậy bởi vì ở đây rõ ràng là ông đang bắt đầu chuyển từ tâm lí học sang vật lí học, vũ trụ học và siêu hình học, những lĩnh vực mà ông cảm thấy không đủ khả năng và hiểu biết. Tuy nhiên, tư tưởng của ông dần dần đi theo hướng này và chúng ta phải thừa nhận là ông đã thể hiện sự dũng cảm khi theo đuổi những trực giác của mình. Những cuộc trao đổi của ông với các nhà vật lí học hiện đại như Wolfgang Pauli, người mà ông đã xuất bản chung một cuốn sách* là một nỗ lực để mô tả một số những liên hệ và sự tương ứng giữa tâm thần và thế giới tự nhiên. *Tập sách này, xuất bản năm 1952, có tên WNaturerklarungund Psyche (Studien aus dem C.G. Jung - Institut Zurich, 4).